Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Các loại thực phẩm bạn nên hạn chế?

Bánh mỳ trắng, thực phẩm đông lạnh, thịt muối… là những loại thực phẩm tuyệt đối bạn không nên sử dụng lại. Ăn uống như thế nào mới đúng cách và tránh phát sinh những nguy hiểm đang rình rập trong cuộc sống là điều mọi người nội trợ cần ghi nhớ.

Bánh mì trắng

Bánh mì trắng và những loại bột tinh chế khác thường không chứa hoặc có rất ít vitamin cũng như là những chất dinh dưỡng khác. Chính vì vậy mà chúng hầu như không có giá trị dinh dưỡng nào cho bạn. Thêm vào đó, cơ thể chúng ta vốn không thể biết làm thế nào để tiêu hóa đúng cách các loại thực phẩm, có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe.
Bơ thực vật

Giống như những thực phẩm chế biến khác, bơ thực vật vốn là loại nguyên liệu không lành mạnh, chứa nhiều chất hydro hóa và chất béo chuyển hóa có hại cho sức khỏe. Điều này sẽ tác động đến cơ thể đặc biệt là vòng eo của bạn. Bơ nguyên chất là sự lựa chọn tốt dành cho bạn, loại bơ này hoàn toàn không có chất béo chuyển hóa xấu nên có lợi cho cơ thể.

Gạo trắng

Giống như bánh mỳ trắng, gạo trắng không có nhiều giá trị dinh dưỡng và gây khó khăn cho cơ thể để xử lý nó. Thêm vào đó, gạo trắng khiến lượng đường trong máu tăng vọt, gây nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường. Chính vì vậy, bạn có thể lựa chọn gạo nâu thay thế cho gạo trắng.

Bắp rang bơ

Thật khó có thể nói “không” với mùi vị thơm ngon của bắp rang bơ tại rạp chiếu phim. Tuy nhiên, nếu bạn yêu thích món ăn này thì hãy cẩn thận vì nó chứa các thành phần không lành mạnh và có thể gây biến đổi di truyền. Bạn có thể lựa chọn bỏng ngô hữu cơ hoặc những đồ ăn vặt khác khi ngồi trong rạp chiếu phim.
Thịt muối

Bánh mỳ kẹp thịt, thịt xông khói, xúc xích… và những sản phẩm thịt muối khác thường chứa rất nhiều muối nitrat và chất bảo quản khác có nguy cơ gây ung thư và bệnh tim. Khi mua thịt, bạn nên chọn sản phẩm từ động vật ăn cỏ hữu cơ để đảm bảo sức khỏe.

Thực phẩm đông lạnh

Những thực phẩm đông lạnh thường được nạp các chất bảo quản không lành mạnh, muối chế biến và thành phần nhân tạo. Do vậy, bạn không nên sử dụng những món ăn đông lạnh mà nên tìm kiếm sự lựa chọn nhanh chóng và tốt cho sức khỏe khác.

Các dạng lương khô bổ sung đạm

Theo cách thông thường, những thực phẩm này dường như là cách bổ sung cho một chế độ ăn uống lành mạnh.Tuy nhiên, bạn hãy coi chừng, vì những thực phẩm thay thế bữa ăn này chứa protein đậu nành đã được xử lý, đường tinh luyện và các chất phụ gia có hại khác. Tất nhiên không phải tất cả các dạng thực phẩm này đều xấu, hãy chắc rằng bạn đã đọc nhãn thành phần và bạn nên chọn những nguyên liệu sạch.

Thực phẩm “ăn kiêng”

Nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay được gọi là thực phẩm "ăn kiêng" đều có chứa chất làm ngọt nhân tạo như aspartame hoặc saccharin, cả hai đều có nguy cơ gây tổn thương thần kinh , các vấn đề tiêu hóa. Do vậy, bạn nên lựa chọn những thực phẩm gần với thiên nhiên và tốt cho sức khỏe.

Thực phẩm nhiễm bẩn

Trái cây và rau xanh vốn là thực phẩm được cho là khỏe mạnh. Tuy nhiên, thật không may, một số sản phẩm bị nhiễm đầy thuốc trừ sâu nên không lành mạnh. Bạn hãy tránh xa các loại thực phẩm được tìm thấy trên danh sách "Dirty Dozen" (12 loại thực phẩm bẩn) và lựa chọn sản phẩm hữu cơ để thay thế.

Theo Hồng Nam (Đời sống pháp luật)

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

4 Sai lầm khi nướng đồ ăn

Không thể phủ nhận rằng đồ nướng và nấu ăn ngoài trời là một phần không thể thiếu trong ẩm thực hiện đại. Thậm chí những loại quả và rau xanh sẽ có hương vị ngon hơn nếu đem nướng.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện món nướng, nhiều người hay mắc những sai lầm khá phổ biến:

Để vỉ nướng quá bẩn

Sử dụng vỉ nướng là một chuyện nhưng nướng trên chiếc vỉ bẩn lại là một chuyện khác. Dụng cụ nướng của bạn không nhất thiết phải cực kỳ sạch sẽ trong mỗi lần nấu ăn, tuy nhiên bạn nên sử dụng một chiếc chổi nướng hoặc giấy nhôm để loại bỏ những mảnh vụn của thực phẩm và than từ vỉ nướng trước và sau mỗi lần nướng.
Sử dụng các dụng cụ không đúng

Bạn không cần quá nhiều dụng cụ để nướng, nhưng bạn cần chắc chắn rằng mình đã sử dụng chúng một cách đúng đắn trong mỗi lần nướng. Nhìn chung, bạn cần có các dụng cụ nướng có cán dài (để tránh bị bỏng), chiếc kẹp nướng và cái xẻng nướng. Một cái nĩa nướng có cán dài có thể rất tuyệt vời khi nướng rau nhưng lại không sử dụng để nước thịt. Vì những miếng thịt bị xiên trong quá trình nướng sẽ mất nước cốt và trở nên khô hơn.

Để thực phẩm dính với tấm vỉ nướng

Trước khi bạn bắt đầu nướng, cần bôi qua một lớp dầu ăn trung tính như dầu hạt cải lên vỉ nướng. Điều này sẽ giúp đảm bảo cho thức ăn không dính vào vỉ nướng trong quá trình nấu. Đồng thời nó cũng giúp làm sạch vỉ nướng của bạn một cách tốt hơn.

Chỉ sử dụng nhiệt trực tiếp

Khi trong quá trình nướng, bạn cần có hai loại nhiệt độ khác nhau là trực tiếp và gián tiếp. Bạn tạo nhiệt trực tiếp bằng cách nướng trực tiếp trên lửa, nhiệt gián tiếp bằng cách nướng gần lửa.

Có một cách dễ dàng để thiết lập hai vùng nướng khác nhau đó là bạn chia than thành hai đống riêng biệt ở hai đầu đối diện với lò nướng. 2 đầu bếp nướng sẽ cung cấp nhiệt trực tiếp để nướng những thức ăn chia thành nhiều miếng nhỏ như tôm hoặc thịt gà xiên. Còn trung tâm của bếp nướng sẽ cung cấp nhiệt gián tiếp để nướng những phần thịt lớn hơn như một dẻ sườn chẳng hạn, cần mất nhiều thời gian nướng hơn.

Theo Hồng Nam (Foxnews) (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Cách nhận biết Thịt bò, lợn nhiễm Sán

Thịt lợn và thịt bò là hai loại thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng đều cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế là cả thịt bò và thịt lợn đều có nguy cơ bị nhiễm sán. Nếu ăn phải, sẽ đe dọa rất lớn đối với sức khỏe con người.

Những tác hại khi ăn phải thịt lợn, thịt bò nhiễm giun sán

Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, thịt bò bị nhiễm giun sán, có tên khoa học là cysticercus bovis, thịt lợn nhiễm sán được gọi là cysticercus cellulosae.
Khi chúng ta ăn phải thịt lợn hay thịt bò có chứa các nang ấu trùng sán khi chưa được nấu chín, các ấu trùng này khi xâm nhập vào cơ thể, đi đến dạ dày, lớp màng ngoài của sán bị phá vỡ, lúc này đầu sán được giải phóng và tiếp tục bám vào niêm mạc ruột non, phát triển thành sán trưởng thành chỉ sau 2 - 3 tháng.

Những triệu chứng khi ăn phải thịt bò, thịt lợn nhiễm sán là rối loạn tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, cảm thấy buồn nôn, thậm chí nôn ra cả đốt sán.

Trường hợp nặng hơn có thể khiến cơ thể bị yếu cơ, sụt cân nghiêm trọng, thiếu máu và rối loạn thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực tới hệ vi sinh vật đường ruột ở trong cơ thể.

Nhận biết thịt bò, thịt lợn chứa sán

Theo tin tức trên báo Trí thức trẻ, một biện pháp rất đơn giản để phát hiện thịt lợn hay bò bị nhiễm giun sán là cắt thịt theo thớ dọc và quan sát, tìm kiếm dọc theo thớ thịt. Nếu bạn thấy miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim thì đó là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn.

Một dấu hiệu khác cho thấy miếng thịt bò, thịt lợn bị nhiễm sán đó là thớ thịt có những hình sợi hay hình bầu dục to bằng hạt gạo, màu trắng hay vàng xám nằm song song với thớ thị.

Ngoài ra, khi thấy miếng thịt lợn, bò có cảm giác cứng khi sờ, không có sự đàn hồi hay không có độ dẻo dính, không mềm mại vì có thể miếng thịt này đã bị ướp urê hoặc có chứa hàn the.

Khi thấy những dấu hiệu này, bạn cần loại bỏ ngay lập tức, tuyệt đối không được sử dụng.

Làm sao để ăn thịt bò, thịt lợn an toàn?

- Tuyệt đối không ăn thịt bò, lợn sống hoặc tái, chưa được nấu chín kỹ. Lưu ý ăn ngay sau khi nấu xong, tránh để lâu, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn khác xâm nhập.

- Tránh để bị ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và thức ăn sống với bề mặt bị bẩn. Với những dụng cụ sơ chế thịt lon, bò sống cần phải được rửa sạch sẽ như dao, thớt trước khi sử dụng cho thực phẩm chín khác.

- Rửa tay thật sạch trước và sau khi nấu ăn, đặc biệt là sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Khi tay bạn bị nhiễm trùng hãy băng kỹ và kín vết nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Chả Hến thịt băm ngon tuyệt

Món chả hến thịt bằm chắc chắn sẽ đem lại cảm giác ngon miệng và hấp dẫn khi thưởng thức. Không chỉ ngon cơm, Chả hến thịt heo băm còn được các đấng mày râu ưa chuộng để nhậu với bia, rượu vô cùng hợp khẩu vị.
Hến là một thực phẩm chứa nhiều vitamin B12, sắt rất tốt cho người thiếu máu. Trong khi đó lại ít chất béo, ít cholesterol và nhiêu axit omega 3 thích hợp cho những người bị bệnh tim mạch. Vì vậy, từ lâu hến đã được sử dụng phổ biến và có rất nhiều món ăn ngon từ hến.

Hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn món chả hến thịt bằm thơm ngon, hấp dẫn nhé!

Nguyên liệu:

- Thịt hến: 150g
- Thịt bằm: 100g
- Trứng gà: 2 quả
- Hành lá, tiêu, bột nêm, dầu ăn.
Thực hiện:

Bước 1: Thịt hến rửa sạch, để ráo. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ. Cho các nguyên liệu thịt hến, thịt bằm, trứng và hành lá xắt nhỏ vào trong một cái tô lớn. Thêm chút bột nêm, tiêu trộn thật đều.
Bước 2: Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn vào chảo. Khi dầu ăn nóng già, dùng thìa xúc từng thìa hến cho vào chiên chín vàng 2 mặt.
Bước 3: Chả hến chín, cho ra đĩa có lót giấy thấm dầu cho bớt dầu ăn. Món này ăn nóng rất ngon mà lại rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vi chất rất tốt cho sức khoẻ.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với chả hến thịt bằm giòn thơm, bổ dưỡng cho gia đình!

Theo Chun Chun Mai (Khám phá)

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Nên ăn hoa quả nào vào mùa hè?

Mùa hè là thời gian có nhiều loại trái cây nhất trong năm. Có những người cá biệt không ăn cơm chỉ thích ăn trái cây. Mặc dù hoa quả rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn loại hoa quả gì và ăn như thế nào thì tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Dưới đây là một số lời khuyên.

Các loại quả nên ăn

Táo: Táo có chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau, trong đó hàm lượng sắt chiếm nhiều nhất. Vi chất sắt là nguồn nguyên lệu chủ yếu để tạo máu cho cơ thể, cực kì tốt cho sức khỏe bạn.

Dưa hấu: Mùa hè là mùa thích hợp nhất để ăn dưa hấu. Trong dưa hấu có chứa các vitamin A,B1,B2, C, các loại đường glucozo, saccarozo, axit malic, axit glutamic và arginine,… có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp,… Đặc biệt tốt cho những người mắc nhiệt miệng, ra nhiều mồ hôi, hay các bệnh viêm thận thiểu niệu, cao huyết áp.

Xoài: Xoài là loại trái cây cho thu hoạch vào mùa hè, có giá trị dinh dưỡng cao. Trong xoài có chứa acid acradic và anacradiol, hai chất này được cho là có tác dụng chống trầm cảm. Ngoài ra xoài còn là nguồn cung cấp lượng đường rất cao (khoảng 12%), cũng như nhiều chất vitamin A, C, potassium, alcium, chất sắt và acid niacin.
Dâu tây: Trong dâu tây có chứa nhiều vitamin C, B cùng với hàm lượng lớn canxi, phốt pho và kali. Dâu tây được coi là vua của các loài hoa quả dùng để chữa bệnh bởi giá trị dinh dưỡng của nó. Nếu đun nước lá dâu rồi để nguội ta sẽ được một loại nước làm se lỗ chân lông rất tốt, ngoài ra nó còn có thể dùng để điều trị các bệnh tiêu chảy, sốt, hay viêm loét miệng.

Quýt ngọt: Nước trong quýt ngọt có chứa các axit amin, vitamin, có tác dụng tốt cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể con người, ngoài ra còn có hiệu quả để làm trắng và một số tác dụng bảo vệ sức khỏe khác. Vỏ quýt cũng có chứa vitamin P, có thể dùng để ngăn ngừa cao huyết áp và tiêu  đờm.

Kiwi: Kiwi là loại quả có chứa rất nhiều vitamin C, hàm lượng lớncác chất chống oxy hóa và serotonin, giúp bạn ngủ tốt hơn. Trong một nghiên cứu gần đây, những người ăn hai quả kiwi 1h trước khi đi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ rất nhiều.

Đu đủ: Các nghiên cứu cho thấy đu đủ ăn giúp làm sáng làn da và tốt cho xương khớp. Nửa quả đu đủ cung cấp đến 238 mg vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nếu thường xuyên bị cảm cúm do hệ miễn dịch suy giảm, bạn có thể bổ sung đu đủ vào trong chế độ dinh dưỡng của mình.

Nên ăn như thế nào?

Số lượng: Mỗi ngày 1 quả táo. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng: Với người trưởng thành mỗi ngày nên ăn 200-400 gam trái cây, tương đương với một quả táo hoặc quả lê. Mỗi ngày ăn 1-2 quả là hợp lý.

Sự đa dạng: Càng phong phú càng tốt. Đó là lời khuyên của Giáo sư Hà Kế Quốc, Viện phó Viện dinh dưỡng và khoa học thực phẩm thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Ăn trái cây cũng cần phải có sự đa dạng về các loại. Ví dụ như ăn 1 quả táo rồi sử dụng thêm 1 quả quýt nhỏ thì vừa có thể đảm bảo đủ lượng vừa có được sự đa dạng trong khẩu phần.

Thời gian: Con người thường có tâm lí thích ăn lúc nào thì ăn, song như vậy thì lại không tốt. Giáo sư Hà Kế Quốc cho rằng, với những người đang trong chế độ giảm cân hay những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp thì chỉ nên ăn hoa quả trước bữa ăn, như vậy có thể vừa bổ sung chất xơ và vi chất kali cho cơ thể mà lại vừa khống chế được lượng thực phẩm sử dụng trong bữa ăn.

Còn với những người bị suy dinh dưỡng và đường tiêu hóa không tốt thì nên ăn hoa quả sau bữa ăn, nếu ăn trước bữa ăn sẽ làm ảnh hưởng tới sự thèm ăn. Đặc biệt đáng lưu ý là vào buổi sáng khi chưa ăn gì thì không nên ăn quả táo mèo, quả hồng những quả có tính chua, chúng có thể gây ra sự khó chịu cho bạn.

Lựa chọn: Đầu tiên là nên chọn các lọa trái cây đúng mùa. Những loại này tốt hơn rất nhiều so với các loại quả trái mùa. Bởi để có thể tạo ra hoa quả trái mùa thì cần phải dùng các phương pháp khoa học nhân tạo hoặc sử dụng  các loại chất hóa học khác có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Phạm Xuân Lộc (Đời sống & Pháp luật)

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Cảnh giác với loại đường thơm, vàng óng

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng quản lý thị trường đã xử lý và bắt giữ các cơ sở chế biến đường bằng phẩm màu, hóa chất độc hại axít photphoric khiến nhiều người lo ngại. Liệu loại đường hóa chất đó độc hại đến mức nào?

Dùng axít để tạo màu cho đường

Nắm bắt thị hiếu khách hàng ngày càng tỏ ra thích thú với loại đường vàng óng và có mùi thơm lạ, nhiều cơ sở sản xuất đã bất chấp sản xuất đường với các loại axít hóa học, chất tẩy rửa bị cấm sử dụng trong thực phẩm để tạo màu đẹp, tăng trọng lượng.

Trước đó, ngày 17/5, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất ở phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất đường có màu vàng bằng hóa chất độc hại. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 150kg đường màu vàng, 18kg axít photphoric, phẩm màu.

Khi chế biến, cơ sở này trộn đường cát trắng cùng với axít photphoric, nước và hóa chất màu đỏ chưa rõ nguồn gốc rồi cho vào máy trộn để đường có trọng lượng nặng hơn, màu sắc hấp dẫn hơn. Sản phẩm này được bán ra thị trường với giá 15.500 đồng/kg.

Gần đây nhất, lực lượng chức năng thuộc UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM), bất ngờ vào kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh đường  ở phường Hiệp Bình Chánh. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này dùng máy trộn bê tông để trộn đường và phát hiện một số can, thùng chứa nước màu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ máy trộn bê tông và một số mẫu đường để kiểm tra.
Trước những thông tin này, nhiều người vô cùng lo ngại việc ăn phải loại đường này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐHKHTN– ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, axít photphoric được chia thành 2 loại. Khi sử dụng trong thực phẩm phải dùng axít photphoric tinh khiết, hay dùng để xử lý dầu ăn tinh luyện nhưng sau đó phải lọc sạch thực phẩm. Hoặc khi được tinh chế sạch thành một dạng muối phốt phát vẫn được dùng trong thực thẩm như thuốc dạ dày có dùng nhôm phốt phát vì đây là yếu tố cần thiết cho cơ thể.

Còn loại axít photphoric công nghiệp chuyên dùng để tẩy rửa, sản xuất phân bón, thức ăn gia súc. Nó cũng được làm chất xúc tác trong tổng hợp hữu cơ, chất tẩm gỗ chống cháy, chất chống ăn mòn kim loại… Việc dùng axít công nghiệp để làm vàng đường là điều cấm kỵ, không được phép bởi nó ẩn chứa nhiều nguy cơ độc hại cho cơ thể người sử dụng. Trong loại axit photphoric công nghiệp còn chứa nhiều tạp chất kim loại độc hại khác, không nằm trong danh mục thực phẩm cho phép như asen là chất độc hại cho thần kinh. Chất này sẽ tích lũy trong cơ thể lâu, gây ra nhiều bệnh khó chữa.

Còn theo ThS Cao Xuân Thủy (Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM), việc sử dụng đường có chứa dung lượng axít photphoric trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột của người sẽ bị tiêu diệt, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa.

Cách nhận diện đường trộn axít

Về cách nhận biết đường có chứa axít photphoric, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, quá trình vàng hóa của đường trắng sang đường vàng khi sử dụng axít photphoric là sự thủy phân một bề trên bề mặt tinh thể đường. Màu đường lúc này sẽ hơi vàng, có sự óng ánh rất bắt mắt bởi đó là các tinh thể. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng không nên chọn hạt đường có màu vàng sáng óng ánh, bởi nguy cơ loại này đã bị nhuộm màu. Đường hoa mai có hương vị mật mía, thơm, hơi đục chứ không trong veo, óng ánh. Khi pha nước, loại đường có axít không có mùi thơm mà khét.

Mọi người cũng có thể để đường ở ngoài nắng, nếu thấy đường óng ánh một cách bất thường có nghĩa đường có chứa nhiều axít photphoric. Còn đường được xử lý, loại bỏ hết dung lượng hóa chất thì thường không óng ánh.

Để tránh nguy hại sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, cũng như tất cả các loại thực phẩm khác, người tiêu dùng không nên chọn những sản phẩm không có nguồn gốc mà nên sử dụng những loại đường có nhãn mác, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để an tâm về chất lượng.

Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Dạ dày heo trộn chua cay

Dạ dày trộn chua cay giòn giòn vô cùng hấp dẫn, đảm bảo các anh chồng sẽ thích mê. Những món ăn chế biến từ dạ dày heo rất hấp dẫn , ai cũng ăn được và nhất là uống với bia lạnh vào những ngày nóng bức 40 độ như thế này thì quá tuyệt.
Nguyên liệu:

- Dạ dày: 1 cái
- Hành tây: 1 củ vừa
- Chanh tươi: 1-2 quả
- Rau răm: 1 ít
- Sa tế; xì dầu
- Ớt: 1-2 quả.
Cách làm:

Bước 1: Dạ dày làm sạch (để dạ dày không có mùi hôi, ngoài việc dùng chanh hoặc giấm để rửa bạn có thể cho dạ dày lên 1 cái chảo khô, lộn phần dạ dày bên trong và áp chảo khoảng 2-3 phút sau đó rửa lại, như vậy dạ dày của bạn sẽ sạch không còn mùi hôi nữa). Cho dạ dày vào nồi cùng vài lát gừng luộc chín, vớt dạ dày ra ngâm dạ dày vào âu nước có vài viên đá lạnh để dạ dày được trắng.
Bước 2: Thái dạ dày thành từng miếng vừa ăn.
Bước 3: Rau răm, hành tây rửa sạch, rau răm thái nhỏ, hành tây tước vỏ ngoài thái lát mỏng. (Để hành tây bớt hăng bạn có thể ngâm hành tây vào âu nước lạnh nhé).
Bước 4: Cho dạ dày vào âu sạch, cứ 1 lớp dạ dày ta thêm một lớp hành tây, rau răm, vài lát ớt.
Bước 5: Tiếp đó là 3 thìa canh nước cốt chanh.
Bước 6: Cuối cùng là 1 thìa sa tế, 3 thìa xì dầu. Trộn đều hỗn hợp.
Bước 7: Cho dạ dày trộn ra đĩa. Vị chua chua, cay cay và giòn giòn của dạ dày, hành tây sẽ làm bữa cơm gia đình bạn thêm hấp dẫn.

Chúc bạn thành công với cách làm dạ dày trộn chua cay ngon miệng cho cả nhà nhâm nhi!

Theo Hương Quý (Khám phá)

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Lưu ý khi ăn một số trái cây mùa hè

Đây đều là những loại trái cây rất phổ biến trong mùa hè được nhiều người yêu thích. Nhưng bạn không nên quá vô tư khi nghĩ ai cũng có thể ăn được những loại trái cây này.

Quả mận

Mận là một trong những loại trái cây phổ biến trong mùa hè nhưng bạn cũng không nên ăn chúng quá nhiều.
Theo thông tin trên Trí thức trẻ, mận có thể tăng rủi ro cho thận và sỏi thận do chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn quá nhiều mận, mức oxalate có thể tập trung, cản trở hấp thu canxi trong cơ thể và kết quả là dẫn đến kết tủa canxi trong thận, dẫn đến hình thành sỏi nhỏ hoặc thậm chí lớn trong thận và bàng quang.

Ngoài ra, bạn không nên ăn mận vào lúc đói vì mận có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Dưa bở

Tuy dưa bở có tác dụng giải nhiệt, giải khát, lợi tiểu. Tuy nhiên, cần lưu ý là, do dưa bở tính hàn, nên những người bị ho ra máu, tim mạch, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm ruột mãn tính, tỳ vị hư, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần, cần thận trọng khi ăn loại dưa này hoặc tốt nhất nên tránh ăn vì có thể làm cho bệnh nặng hơn.
Ngoài ra, người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều dưa bở, bởi vì loại quả này nhiều nước, ăn nhiều sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, dẫn tới đau dạ dày, khó tiêu hoặc đau bụng tiêu chảy.

Quả vải

Vải có vị ngọt thơm ngon, đặc biệt là vải thiều, bởi nó giàu đường, protein, vitamin, chất béo, axit citric, pectin, phốt pho và sắt… và còn là lại quả rất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, vải lại có tính nóng, chứa nhiều đường, những người máu nóng, nhiệt miệng không nên ăn nhiều, nếu không sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn…

Quả sầu riêng

Sầu riêng là loại quả chứa hàm lượng protein, glucid, lipid cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác, có tác dụng kích thích, tăng cường khả năng sinh dục, lọc máu và trừ được giun sán.
Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều sầu riêng (trên 150gr/ngày) vì sẽ gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Đặc biệt, bạn không nên ăn sầu riêng khi uống bia rượu vì dễ sinh nhiệt.

Quả dứa


Dứa là loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong mùa hè vì nó có vị ngon, ngọt và chứa nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, báo Chất lượng Việt Nam cho hay, khi ăn quá nhiều dứa trong vòng một ngày, đặc biệt là lúc đói, các axit hữu cơ và một số enzym sẽ làm tiêu protein, tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, gây nôn nao, khó chịu, thậm chí gây viêm loét niêm mạc dạ dày, còn có thể dẫn đến dị ứng dứa.
Bên cạnh đó, không nên ăn dứa chưa chín hoặc uống nước ép dứa chưa chín rất nguy hiểm. Vì trong trạng thái này, dứa vô cùng độc hại với con người và có thể dẫn đến tiêu chảy nặng và nôn mửa.

Nước dừa

Theo Đông y, nước dừa có vị ngọt, không độc, có tác dụng ích khí, tiêu phù thũng (giảm phù), trừ hoắc loạn (tiêu chảy, giải nhiệt độc). Tuy nhiên, nước dừa có nhiều thấp khí, thường gây trở ngại cho hoạt động của tạng tỳ. Do đó, uống quá nhiều nước dừa hoặc uống vào lúc cơ thể suy yếu sẽ gây ra rối loạn chức năng hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể.
Ngoài ra, không nên uống nước dừa khi đang đói, mệt, sốt, ớn lạnh. Những người thuộc chứng âm hư (da xanh tái, tay chân lạnh, ăn ít, dễ bị tiêu chảy, người nặng nề, tay chân bải hoải…). Người bị chứng ho suyễn, vừa mới đi ngoài trời nắng, không nên uống nước dừa.

Quả đào
Đào là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, nó chứa các thành phần như protein, chất béo, đường, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B, C. Hơn nữa, đào còn rất giàu hợp chất carbonhydrate, có thể cung cấp nhiều calo và nước cho cơ thể, mang lại cảm giác mát mẻ, sảng khoái cho con người.

Tuy nhiên, đào tính ôn, ăn nhiều sẽ gây hại cho dạ dày dẫn tới đầy hơi, tức ngực. Những người có chức năng dạ dày kém, người già và trẻ nhỏ không nên ăn nhiều.

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Ai không nên ăn Vải Thiều?

Theo nghiên cứu, vải thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2,... Vì vậy, loại quả này còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn nhiều một lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyên một số đối tượng người tiêu dùng không nên ăn nhiều vải thiều.

Người bị tiểu đường

Vải thiều không phải là hoa quả được khuyến khích cho người bệnh tiểu đường. Báo Chất lượng Việt Nam cho biết, sách thuốc cổ có ghi: “Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh…”.
Tuy nhiên, vì hàm lượng đường cao nên ăn nhiều dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường.

Người máu nóng, nhiệt miệng…

Vải thiều là loại hoa quả nổi tiếng có tính nóng. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn hay những vết ban đỏ xuất hiện, thậm chí sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn.
Ngoài ra, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người đang mắc bệnh có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt,  rôm sảy, chắp lẹo mắt … cũng nên hạn chế mức tối đa việc ăn vải thiều.

Thai phụ từng mắc chứng tiểu đường, thừa cân

Theo kinh nghiệm của người xưa thì vải là loại quả ngọt, ăn vào giúp cho dung nhan đẹp hơn. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chị em ăn vải một cách thoải mái, “vô tội vạ” bởi quả vải có hàm lượng đường rất cao, không tốt cho những thai phụ đã từng mắc bệnh tiểu đường cũng như chứng thừa cân.
Bên cạnh đó, vải còn có tính nóng nên bà bầu cần hạn chế, không nên bổ sung quá nhiều vào cơ thể.

Trẻ em

Vải là loại hoa quả ngọt, dễ ăn, có tác dụng chữa bệnh tốt. Tuy nhiên, Báo Đất Việt cho hay, không nên ăn quá nhiều trong một lúc, có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng.

Đặc biệt, với trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu, dó đó bạn cần cho bé ăn một lượng vừa phải, không nên chiều con mà để bé ăn quá nhiều khiến bé bị bệnh. Mỗi lần chỉ nên cho bé ăn khoảng 100g vải tươi (khoảng 5 - 6 quả).

Lưu ý: Người bình thường không ăn quá nhiều vải

Quả vải bổ sung một lượng nước cho cơ thể, có lợi cho dạ dày. Tuy nhiên, vải thiều được xếp vào những loại quả không nên ăn nhiều vào mùa hè, ngay cả đối với người bình thường.
Bởi trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn nhiều một lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biết, cơ thể phản ứng, tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp còn gọi là triệu trứng "say vải". Biểu hiện thường gặp là váng đầu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, nóng trong người khiến nổi nhiều mụn…

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Muối dưa trong bình nhựa có hại không?

Dùng bình nhựa muối dưa có an toàn?

Dưa muối là món ăn có mặt thường xuyên trong các gia đình vào ngày hè nóng. Món ăn này có tác dụng kích thích tiêu hóa và bổ sung các vi sinh vật có lợi cho hệ thống tiêu hoá của con người như lactobacilli, acidophilus và plantarum. Dưa muối khi kết hợp với các sản phẩm giàu đạm sẽ tạo cảm giác ngon miệng.

Tuy nhiên, nếu không chế biến và ăn dưa muối đúng cách sẽ dẫn tới nguy cơ ngộ độc. Bên cạnh đó, nhiều người còn lo lắng trước những thông tin muối dưa trong bình nhựa sẽ gây ung thư hay gây mầm bệnh. Vậy thực hư trước điều này như thế nào?
Theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ (Viện an toàn thực phẩm) cho biết: Nhựa dùng để muối dưa không vấn đề nhưng với điều kiện bình nhựa đó phải đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, nhiều người dân dùng thùng đựng sơn để muối dưa chua thì cực kì nguy hiểm. Lý do là hai loại bình này tiêu chuẩn khác nhau.

Nhựa của bình đựng sơn có hàm lượng kim loại nặng sẽ cao. Kim loại nặng ở đây gồm các chất như chì, cadimi, asen... Khi muối dưa sẽ nhiễm ra nước muối dưa và ngấm vào sản phẩm. Điều này rất độc hại với người ăn, dễ gây bệnh đường ruột hoặc nặng nhất là ung thư nếu ăn thường xuyên và ăn với số lượng nhiều.

Ngoài ra một số người thắc mắc về nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm (dưa muối, cà muối xổi) thời gian gần đây, tiến sĩ cho biết nguyên nhân là do:

- Nguyên liệu không đủ sạch để muối dưa.

- Trong quá trình nuôi trồng, người sản xuất sử dụng quá nhiều chất bảo quản thực vật sẽ gây độc.

- Thời gian muối dưa, ủ dưa chưa đủ để diệt những vi khuẩn gây bệnh.

Những lưu ý khi ăn dưa muối

Tiến sĩ Mân cũng lưu ý thêm về cách muối dưa an toàn, đảm bảo vệ sinh:

- Trước khi muối dưa phải rửa sạch từ  nguyên liệu từ 1-2 giờ, sau đó ngâm trong nước muối loãng từ 15-30 phút.
- Tuyệt đối không ăn dưa muối để lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt. Nếu quan sát bằng mắt thường, thấy váng hay cặn nổi trên bề mặt cũng không ăn.

- Tránh ăn dưa có màu xỉn hay có mùi lạ.

- Những người có bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hoá cao, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Theo Tuệ Linh (Khám Phá)

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Gỏi xoài Mực khô dễ làm

Món gỏi xoài trộn mực khô vừa thơm ngon, lạ miệng, đem lại cảm giác thú vị khi thưởng thức. Mùa hè mà có món này để nhậu với bia thì cả nhà ai cũng thích. Thời gian làm cực ngắn và đơn giản khiến cho món ăn càng được ưa chuộng.
Nguyên liệu:

- 1-2 quả  xoài xanh
- 1 con mực khô
- Rau húng thơm, hành khô, quả ớt tươi.
- Lạc rang chín
-1 quả chanh
- Gia vị: Đường, mì chính, nước mắm.
Cách làm:

Bước 1: Rau húng thơm rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô bóc vỏ rửa sạch phi thơm, lạc rang chín bỏ vỏ, giã nhỏ.
Bước 2: Xoài gọt vỏ, bào sợi đựng vào âu sạch.
Bước 3: Mực khô kẹp vỉ nướng trên than hoa hoặc bếp ga.
Gói mực vào giấy sạch dùng chày đập cho mềm, sau đó tước nhỏ và chao qua dầu ăn để mực được giòn.
Bước 4: Pha nước mắm trộn gỏi gồm: 2 thìa canh nước mắm + 2 thìa canh đường trắng + 1 thìa mì chính + 1 quả ớt chín cắt nhỏ + 1 ít nước cốt chanh, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
Bước 5: Khi trộn gỏi lần lượt cho mực, rau húng, lạc rang vào. Cuối cùng rưới phần nước trộn lên và trộn đều. Nên trộn trước khi ăn khoảng 5-10 phút để xoài giữ được độ giòn.
Bước 6: Khi ăn rắc thêm hành khô vào, trang trí vài ngọn rau húng cho đẹp mắt.
Gỏi xoài trộn mực ăn chơi rất hợp cho ngày nắng nóng. Chúc bạn và gia đình ngon miệng với món gỏi xoài trộn mực khô chua ngọt, dễ ăn này nhé!

Theo Hương Quý (Khám phá)

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Trứng cuộn cà rốt ngon lành

Để có món trứng cuộn đẹp mắt và không bị bung ra cũng cần có bí quyết nhé! Trứng và Cà rốt là hai nguyên liệu giá rẻ, dễ mua và cũng rất giàu dinh dưỡng như protein và đặc biệt là có thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu để cung cấp cho cả gia đình.
Nguyên liệu:

- 5 quả trứng, đánh đều

- 1,5g muối; 5ml xì dầu; 15m rượu mirin (là một loại rượu gia vị nêm có vị ngọt, màu vàng nhạt, dạng chất lỏng hơi đặc hơn nước một tí. Thành phần khoảng 40%~50% chất đường và 14% rượu, có bán ở siêu thị); 1 nhúm tiêu đên; 2 nhánh hành lá xắt nhỏ; 1 củ cà rốt băm nhỏ; dầu thực vật
Cách làm:

Bước 1: Đánh đều trứng sau đó thêm muối, xì dầu, rượu mirin, hạt tiêu đen, hành lá xắt nhỏ và cà rốt băm nhỏ vào. Trộn đều.
Bước 2: Đun nóng một chảo không dính trên ngọn lửa vừa phải. Dùng khăn giấy nhúng vào dầu ăn rồi xoa nhẹ lên mặt chảo.
Bước 3: Đổ đều hỗn trứng lên mặt chảo. Khi trứng hơi đông lại, nhẹ nhàng cuộn trứng lại. Nếu bạn cuộn trứng khi trứng đã chín thì sẽ rất khó cuộn. Khi trứng cuộn đến còn thừa khoảng 5cm thì đẩy miếng trứng về góc chảo.

Tiếp tục đổ thêm một lượt trứng nữa (lớp này đè lên 5cm trứng thừa của lớp cũ), khi trứng bắt đầu hơi đông lại, tiếp tục cuộn vào để thừa 5cm rồi lại đẩy miếng trứng về góc chảo vào tráng thêm lớp trứng mới tương tự như ban nãy.

Làm cho đến khi hết hỗn hợp trứng cho trong bát.

Khi trứng cuộn cà rốt chín, cho trứng ra khỏi chảo vào để khoảng 5-8 phút trước khi cắt.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm trứng cuộn cà rốt nhé!

Theo Như Lan (Cookmor P) (Khám phá)

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Mực sốt me dai ngon

Vị ngọt, dai của mực quyện cùng vị chua chua ngọt ngọt của nước sốt me, thêm một chút thơm nồng của gừng sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho món ăn này. Cách làm mực sốt me hết sức đơn giản, chỉ cần một chút thời gian bạn đã có một món nhậu siêu ngon trong ngày hè rồi đó.
Nguyên liệu:

- Mực tươi: 400g
- 1 vắt me nhỏ
- 1 nhánh gừng
- 1 trái ớt, tỏi.
- Rượu trắng
- Gia vị: bột nêm, nước mắm, muối, tiêu, đường, dầu ăn.
Thực hiện:

Bước 1: Me ngâm nước nóng cho mềm, sau đó cho qua rây lọc lấy phần thịt me. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, ½ thái sợi và ½ còn lại bằm nhỏ. Tỏi bóc vo, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt cũng rửa sạch thái lát.
Bước 2: Mực làm sạch, bóp sơ với chút gừng đã bằm nhỏ ở trên, sau rửa lại với chút rượu trắng cho khỏi tanh. Sau đó để ráo, thái khoanh tròn vừa ăn.
Bước 3: Ướp mực với chút bột nêm, tiêu và ½ chỗ thịt me ở trên. Dùng màng bọc thực phẩm bao kín để trong tủ lạnh khoảng 15 phút.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa dầu ăn, dầu nóng cho tỏi bằm vào phi thơm. Sau đó cho mực vào đảo săn lại. Tiếp đến cho hết chỗ nước sốt me còn lại vào, thêm chút nước mắm, đường, nêm nếm vừa miệng, đun thêm khoảng 1-2 phút cho nước sốt sánh lại.
Tắt bếp, cho gừng đã thái sợi và ớt vào đảo đều. Cho mực sốt me ra đĩa và thưởng thức nhé!
Chúc các bạn thành công với cách làm mực sốt me dễ ăn cho cả nhà nhé!

Theo Chun Chun Mai (Khám phá)
aimua24h.com